Điểm ưu tiên và điểm khuyến khích trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc Gia là vấn đề đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các bạn học sinh cũng như phụ huynh. Những thắc mắc như điểm ưu tiên là gì, điểm khuyến khích là điểm gì, cách tính điểm ưu tiên và khuyến khích như thế nào cần lời giải đáp. Vậy xin mời quý bạn đọc hãy theo dõi bài viết này để có câu trả lời chính xác nhất về quy chế cộng điểm thi đại học 2022 nhé.
Điểm ưu tiên là gì?
Điểm ưu tiên chính là điểm cộng mà Nhà nước ưu ái những học sinh, nhất là các em học sinh thuộc diện đặc biệt. Điểm ưu tiên sẽ được cộng trực tiếp vào kết quả của kỳ thi THPTQG và được xem như là một căn cứ để các trường đại học xét điểm trúng tuyển.

Tùy thuộc vào từng đối tượng hay khu vực mà các bạn học sinh sẽ nhận được mức điểm ưu tiên khác nhau. Bên cạnh đó không phải ai cũng được cộng thêm điểm ưu tiên, chỉ những thí sinh thuộc diện ưu tiên theo quy định của Nhà nước mới nhận được mức điểm cộng này.
Điểm cộng khu vực thi đại học đôi khi là yếu tố giúp mở ra cho các bạn học sinh nhiều cơ hội hơn để bước tới cánh cửa đại học. Vì thế trước mỗi kỳ thi vấn đề liên quan đến cách tính điểm ưu tiên thi đại học lại nhận được sự quan tâm của học sinh và các bậc phụ huynh.
Cách cộng điểm ưu tiên đại học 2021 [Cập nhập 2022]
Điểm ưu tiên trong kỳ thi THPTQG sẽ được tính và cộng theo 2 nhóm đó là cộng điểm ưu tiên theo đối tượng và điểm ưu tiên khu vực. Các bạn hãy xem cách cộng điểm ưu tiên và đối chiếu xem mình thuộc nhóm đối tượng hay khu vực được ưu tiên cộng điểm không nhé.
Xem thêm: Cách viết đơn xin nghỉ học cho phụ huynh, học sinh chuẩn nhất
Cộng điểm ưu tiên theo nhóm đối tượng
Theo cách tính điểm ưu tiên thi đại học có 2 đối tượng thí sinh thuộc diện được cộng điểm với mức điểm tương ứng cho từng đối tượng cụ thể như sau:
Nhóm ưu tiên 1 được cộng 2 điểm, bao gồm 4 đối tượng sau:
- Đối tượng 1: Công dân là người dân tộc thiểu số có quốc tịch Việt Nam, có hộ khẩu thường trú (hoặc trong thời gian học THPT/ trung cấp) trên 18 tháng tại Khu vực 1 (KV1).
- Đối tượng 2: Công nhân trực tiếp sản xuất đã làm việc liên tục 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua được cấp tỉnh trở lên được công nhận và cấp bằng khen thưởng.

- Đối tượng 3:
– Thương binh, bệnh binh, người có “Giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh theo quy định Nhà nước.
– Quân nhân; (hạ) sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong CAND tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên hoặc 12 tháng trở lên tại khu vực 1.
– Quân nhân; (hạ) sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong CAND đã xuất ngũ, được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo đúng quy định.
Đối tượng 4:
– Thân nhân của liệt sĩ.
– Con thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Con bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ ≥ 81%.
– Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh” bị suy giảm khả năng lao động ≥ 81%.
– Con của người được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
– Con của người được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.
– Con của người hoạt động kháng chiến bị dị tật do hậu quả của chất độc hóa học đang được hưởng trợ cấp hằng tháng của Nhà nước.
Nhóm ưu tiên 2 được cộng 1 điểm, cụ thể có các đối tượng sau:
- Đối tượng 5:
– Thanh niên xung phong tập trung được cử đi học.
– Quân nhân; (hạ) sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong CAND tại ngũ được cử đi học. Điều kiện là phải có thời gian phục vụ dưới 18 tháng hoặc dưới 12 tháng ở Khu vực 1.
– Chỉ huy trưởng (phó) ban chỉ huy quân sự xã/ phường/ thị trấn; Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng, dân quân tự vệ nòng cốt, dân quân tự vệ. Điều kiện được cộng điểm là dự thi vào ngành Quân sự cơ sở và đã hoàn thành xong nghĩa vụ Dân quân tự vệ nòng cốt đủ từ 12 tháng trở lên.
- Đối tượng 6:
– Công dân người dân tộc thiểu số có quốc tịch Việt Nam, có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực đã quy định thuộc đối tượng 1.
– Con thương binh, bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động < 81%.
– Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và bị suy giảm khả năng lao động < 81%.
Đối tượng 7:
– Người khuyết tật nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Nhà nước.
– Người lao động ưu tú thuộc tất cả các thành phần kinh tế được cấp bằng hoặc huy hiệu Lao động sáng tạo từ tỉnh trở lên.
– Giáo viên thi vào các ngành sư phạm có thời gian giảng dạy hơn 3 năm.
– Y tá, dược tá, hộ lý, y sĩ, điều dưỡng viên, người có bằng trung cấp dược thi vào các ngành về sức khỏe với điều kiện đã làm việc đủ 3 năm trở lên.
Cách cộng điểm ưu tiên khu vực
Quy chế về điểm cộng đại học theo khu vực đã chia các thí sinh thành 4 nhóm khu vực và dựa vào đó để cộng điểm ưu tiên cho các em. Cụ thể như sau:

- Khu vực 1 (ký hiệu KV1): Thí sinh ở KV1 được cộng 0,75 điểm khi tham gia dự thi. Các thí sinh có thể không thuộc đối tượng được ưu tiên nhưng nằm trong khu vực ưu tiên của Nhà nước vẫn nhận được mức điểm cộng là 0,75 điểm. Như vậy tính theo khu vực ưu tiên thì điểm ưu tiên khu vực 1 là cao nhất với 0,75 điểm.
- Khu vực 2 (ký hiệu KV2-NT): Đây được gọi là khu vực nông thôn (KV2-NT). Các thí sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực này sẽ nhận được mức điểm ưu tiên là 0,5 điểm.
- Khu vực 2 (ký hiệu KV2): Sau khu vực nông thôn thì KV2 là khu vực có các thí sinh dự thi được cộng 0,25 điểm.
- Khu vực 3 (ký hiệu KV3): Theo quy định của Nhà nước thì các thí sinh có hộ khẩu thường trú hoặc học tập tại khu vực 3 thì không thuộc diện ưu tiên của Nhà nước. Vì thế các thí sinh ở khu vực này sẽ không nhận được điểm cộng khu vực thi đại học.
Khu vực 1 2 3 là gì?
Ở trên là cách cộng điểm ưu tiên cho thí sinh ở từng khu vực. Theo đó khu vực 1 được cộng 0,75 điểm; khu vực 2 – nông thôn được cộng 0,5 điểm; khu vực 2 được cộng ưu tiên 0,25 điểm và khu vực 3 không thuộc diện ưu tiên. Vậy Khu vực 1 2 3 là gì? Làm sao để biết mình đang thuộc khu vực nào để tính điểm cộng?

- Khu vực 1 là khu vực gồm các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của TTCP.
- Khu vực 2 được tính bao gồm: Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Bên cạnh đó các thị xã, huyện ngoại thành của các thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các xã thuộc KV1) đều được xem là khu vực 2.
- Khu vực 3 chính là các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay cả nước có các thành phố trực thuộc TW là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
- Khu vực 2 – nông thôn là các khu vực còn lại ngoại trừ khu vực khu vực 1, 2, 3.
Điểm khuyến khích là gì?
Điểm khuyến khích khác với điểm ưu tiên ở chỗ, điểm khuyến khích là điểm cộng dành cho những thí sinh có thành tích xuất sắc trong các cuộc thi khi còn học ở THPT. Vậy cụ thể điểm khuyến khích thi THPT quốc gia là gì?
Đây là điểm cộng được áp dụng cho các thí sinh đạt thành tích nổi bật trong các kỳ thi văn hóa, thể dục thể thao, hoặc thành tích xuất sắc trong rèn luyện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do vậy, những thí sinh được cộng điểm khuyến khích không cần phải xét tiêu chí về đối tượng và khu vực, mà chỉ cần là những cá nhân xuất sắc đạt giải cao trong các cuộc thi văn hóa.
Tùy vào diện tốt nghiệp khác nhau mà điểm số được cộng cũng khác nhau cho mỗi thí sinh. Nếu một thí sinh có nhiều loại giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận thì theo quy định cộng điểm khuyến khích sẽ nhận được mức điểm cộng cao nhất là 4 điểm.
Điểm khuyến khích là điểm cộng khác hoàn toàn với điểm ưu tiên, vì thế một thí sinh nhận được điểm khuyến khích vẫn có thể vẫn được cộng ưu tiên nếu nằm trong diện ưu tiên của Nhà nước.
Cả điểm ưu tiên và điểm khuyến khích đều là điểm cộng thi đại học và được cộng trực tiếp vào kết quả thi của thí sinh. Vì thế nếu thí sinh dự thi nhận được điểm cộng sẽ có thể tăng khả năng trúng tuyển vào các trường đại học hơn. Tuy nhiên những điểm cộng này không phải là yếu tố tiên quyết mà phần nhiều còn phải phụ thuộc vào năng lực của từng thí sinh.

Cách cộng điểm khuyến khích thi đại học 2021 [Cập nhập 2022]
Thí sinh đạt giải cá nhân trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 12 là đối tượng đầu tiên nhận được điểm khuyến khích khi thi THPTQG. Cụ thể mức điểm cộng đối với các giải như sau:
- Giải nhất, nhì, ba cấp quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh: được cộng 2 điểm khuyến khích.
- Giải khuyến khích cấp quốc gia hoặc đạt giải nhì tỉnh: được cộng 1,5 điểm.
- Đạt giải ba tỉnh/ thành phố: được cộng 1 điểm.
Những thí sinh đạt giải cá nhân hoặc đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành các môn Lý, Hóa, Sinh, thể dục thể thao, Giáo dục quốc phòng, văn nghệ, cuộc thi Khoa học kỹ thuật, viết thư quốc tế. Cụ thể:
- Giải nhất, nhì, ba quốc gia; giải nhất cấp tỉnh; giành huy chương vàng: cộng 2 điểm.
- Giải khuyến khích quốc gia; giải nhì cấp tỉnh; giành huy chương bạc: cộng 1,5 điểm.
- Đạt giải ba tỉnh hoặc giành huy chương đồng: cộng 1 điểm.
Học sinh THPT, học viên thuộc trung tâm giáo dục thường xuyên có giấy chứng nhận nghề hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở GD&ĐT, các trường dạy nghề cấp trong thời gian học THPT.
- Với giấy chứng nhận nghề đạt loại giỏi hoặc loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp: được cộng 2 điểm.
- Giấy chứng nhận nghề đạt khá hoặc loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp: được cộng 1,5 điểm.
- Giấy chứng nhận nghề trung bình, loại trung bình với bằng trung cấp: được cộng 1,0 điểm.
Học sinh giáo dục thường xuyên được cộng 1 điểm khuyến khích nếu có chứng chỉ Ngoại ngữ A hoặc Tin học A trở lên (bao gồm cả kỹ thuật viên).
Cộng điểm khuyến khích vào lớp 10 như thế nào?
Điểm khuyến khích không chỉ được áp dụng cho kỳ thi đại học mà còn được áp dụng với cả kỳ thi tuyển vào lớp 10. Vậy thi vào 10 có điểm khuyến khích là điểm gì, có khác gì so với kỳ thi THPTQG? Sau đây là mức cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào 10 các bạn có thể tham khảo:

Cá nhân đạt giải từ giải 3 cấp tỉnh trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hoá: Giải nhất cộng 2,0 điểm; giải nhì được cộng 1,5 điểm; giải ba được cộng 1,0 điểm.
Đối với các thí sinh đạt giải cá nhân hoặc đồng đội trong các cuộc thi do Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành cấp tỉnh trở lên tổ chức như: văn nghệ; thể dục thể thao; vẽ; viết thư quốc tế UPU; thi giải toán trên máy tính cầm tay… đều nhận được mức điểm cộng là:
- Đối với giải cá nhân: Đạt giải quốc gia/ giải nhất cấp tỉnh/ huy chương vàng: cộng 2,0 điểm.
- Đạt giải nhì cấp tỉnh hoặc huy chương bạc: cộng 1,5 điểm.
- Đạt giải ba cấp tỉnh hoặc huy chương đồng: cộng 1,0 điểm.
- Giải đồng đội thuộc diện được cộng điểm khi đạt giải cấp quốc gia.
- Đối với điểm nghề: Loại giỏi được cộng 1,5 điểm; loại khá được cộng 1,0 điểm; loại trung bình được cộng 0,5 điểm.
Trên đây là các quy chế cộng điểm ưu tiên và điểm khuyến khích thi đại học. Hy vọng thông tin trong bài đã giúp bạn hiểu cách cộng điểm ưu tiên và điểm khuyến khích cho thí sinh. Chúc các bạn có một kỳ thi THPTQG sắp tới đạt được mục tiêu mà mình đặt ra.